GIỚI THIỆU

Dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, mỗi chiến sĩ cách mạng luôn sẵn sàng tâm thế:
Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Không chịu chết mòn trong gông cùm, những người tù cộng sản luôn tổ chức đấu tranh để bảo toàn lực lượng, giữ vững khí tiết, chờ cơ hội vượt ngục. Dẫu biết rằng có thể cận kề cái chết, nhưng những trái tim quả cảm vẫn quyết tâm vượt ngục, hòa mình vào dòng thác cách mạng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

“Khát vọng tự do” - mong muốn cháy bỏng của nhân dân Việt Nam. Điều đó được minh chứng qua những cuộc vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng trong ngục tù thực dân, đế quốc.

XIỀNG XÍCH

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam đã trải qua biết bao đau thương, mất mát. Những chính sách cai trị hà khắc cùng với hệ thống công cụ đàn áp liên hoàn: Tòa án, Sở mật thám, Nhà tù và bộ máy cai trị được thiết lập khắp các địa phương của chính quyền thực dân, đế quốc khiến cho cuộc sống của người dân Việt Nam trở nên cùng cực. Xem pano

Cuộc sống khổ cực của người dân Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới ách cai trị của thực dân Pháp
Cuộc sống khổ cực của người dân Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới ách cai trị của thực dân Pháp
Nạn đói năm 1945 diễn ra từ cuối năm 1944 đến tháng 5/1945 tại miền Bắc Việt Nam
Nạn đói năm 1945 diễn ra từ cuối năm 1944 đến tháng 5/1945 tại miền Bắc Việt Nam

Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người. Trích: Bài viết “Hô hào nhân dân chống nạn đói” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Báo Cứu quốc, số 86, ngày 08/11/1945

Những cuộc càn quét, bắt bớ người dân vô tội của lính Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam
Những cuộc càn quét, bắt bớ người dân vô tội của lính Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam
Công cụ trị an và đàn áp của chính quyền thực dân Pháp - Tòa án Hà Nội
Công cụ trị an và đàn áp của chính quyền thực dân Pháp - Tòa án Sài Gòn

Hệ thống nhà tù do chính qyền thực dân, đế quốc xây dựng tại Việt Nam: Xem pano

TUNG CÁNH GIỮA MÀN ĐÊM

Vượt ngục là hình thức đấu tranh cao nhất, người tù có thể bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc; làm mồi cho thú dữ hay bị nhấn chìm giữa mênh mông biển cả. Không phút buông xuôi, các chiến sĩ cách mạng quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo như những cánh chim khao khát tự do bay về với ánh sáng cách mạng. Xem pano

THOÁT KHỎI NGỤC LỬA

Hỏa Lò - một trong những nhà tù thực dân kiên cố nhất Đông Dương, nơi tưởng chừng như bất khả xâm phạm đã diễn ra các cuộc vượt ngục “thần kỳ” năm 1932, 1945, 1951. Các cuộc vượt ngục thể hiện bản lĩnh và trí tuệ phi thường của những chiến sĩ cộng sản tại “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội”. Xem pano


Cuộc vượt ngục năm 1951

Cuối năm 1951, tổ Đảng khu xà lim tử hình quyết định tổ chức vượt ngục tập thể. Theo kế hoạch, tử tù dùng giẻ tẩm mỡ lợn đốt phần gỗ cùm để rút được chân ra. Lợi dụng giám thị Busan ham chơi bóng bàn, tử tù lấy được mẫu chìa khóa xà lim và mất 10 ngày để làm chìa khóa mới. Trong thời gian đó, Quận ủy nội thành bí mật gửi bản đồ cống ngầm, lưỡi cưa, axít... vào trại qua đường tiếp tế. Nhờ đó, anh em đã cưa đứt song sắt cống ngầm trong nửa tháng. Xem pano

19 giờ ngày 24/12/1951, 16 tử tù chia làm ba nhóm, chui xuống cống ngầm. Đêm đông, giá rét cắt thịt da, lúc đi lom khom, khi bò toài trong lòng cống sâu, hẹp, anh em vẫn cố dìu nhau chui lên mặt đường phố Quán Sứ. Cảnh sát ập đến, đoàn tù chống trả quyết liệt nhưng chỉ 5 người thoát được, 11 người bị bắt lại.

Để thực hiện kế hoạch chui cống, anh em đấu tranh đòi tăng thêm giờ ra sân và được đánh bóng bàn. Yêu cầu này được nhà tù chấp thuận. Hàng ngày, anh em bố trí hai đồng chí Kỳ và Liên thay nhau chơi bóng bàn với giám thị. Lợi dụng lúc giám thị ham chơi, hai đồng chí Hậu và Chính làm rơi biển số tù treo ngoài cửa xà lim, tạo cớ mượn chùm chìa khóa để đóng biển số lại, nhân đó, lấy mẫu chìa khóa cửa buồng giam và chìa khóa nắp cống ngầm. Hồi ký “Vượt ngục Hỏa Lò Hà Nội, đêm 24/12/1951”, Đặng Đình Kỳ, Vũ Đức Chính, Trần Minh Việt, Phạm Đình Liên, Vũ Đình Quang

Khu xà lim tử hình, Nhà tù Hỏa Lò nơi 16 tử tù vượt ngục đêm 24/12/1951
Đồng chí Ngô Hùng Hậu
Đồng chí Đặng Đình Kỳ
Đồng chí Trần Minh Việt
Đồng chí Phạm Đình Liên
Đồng chí Vũ Đức Chính

Ban Chỉ huy trao đổi và phân công cụ thể: cắt song sắt cửa sổ buồng giam hai anh Minh Việt và Nguyễn Văn Hùng giao cho đồng chí Vũ Đức Chính là thợ nguội cưa. Sau đó đồng chí Chính lại tiếp tục cưa song sắt cửa từ hành lang ra sân trại. Khi cưa xong, dấu vết cưa được ngụy trang bằng đinh chốt an toàn nên khi giám thị kiểm tra dùng tay lay các chấn song cửa sổ cũng không phát hiện nổi. Để át tiếng cưa, một số đồng chí được phân công đã đem ống bơ sữa, gạch phồng mài xuống nền xi măng tạo ra tiếng động lớn, át tiếng cưa. Hồi ký “Vượt ngục Hỏa Lò Hà Nội, đêm 24/12/1951”, Đặng Đình Kỳ, Vũ Đức Chính, Trần Minh Việt, Phạm Đình Liên, Vũ Đình Quang

Bà Băng Tâm - cơ sở cách mạng có nhiệm vụ chuyển lưỡi cưa, a xít, bản đồ cho tù chính trị Hỏa Lò qua đường tiếp tế trong cuộc vượt ngục đêm 24/12/1951
Tù nhân chui xuống lòng cống, cưa song sắt, chuẩn bị vượt ngục (mô hình)
Cửa cống ngầm trước sân trại tù tử hình, nơi 16 tử tù vượt ngục, đêm 24/12/1951

VƯỢT KHỎI ĐẠI NGÀN

Trong 15 năm (1930 - 1945) giam giữ các chiến sĩ cách mạng, Nhà tù Sơn La diễn ra hai cuộc vượt ngục vào năm 1941 và 1943. Bởi lẽ, vị trí xây dựng nhà tù ở nơi rừng thiêng nước độc, chế độ canh phòng cẩn mật nên được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắc thở đem chôn”. Thực dân Pháp còn treo giải cho người dân địa phương, ai lấy được đầu một tù nhân cộng sản trốn trại sẽ được thưởng 20 đồng bạc trắng và 5 tạ muối. Công sứ Sơn La Saint Poulot thường đe dọa những người tù cộng sản: “Đừng tìm cách trốn thoát, bởi thổ dân sẽ đem đầu các anh về để đổi lấy muối!”. Xem pano


Cuộc vượt ngục năm 1943

Cuộc vượt ngục của các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Văn Trân thành công là sự chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo trong hai năm của Chi bộ Nhà tù Sơn La: từ bản đồ, thẻ thuế thân, lương thực đến việc luyện tập đi bộ. Đặc biệt, Chi bộ đã giác ngộ được anh Lò Văn Giá người dân tộc Thái dẫn đường. Xem pano

Để cai ngục không phát hiện, Chi bộ đã dùng chăn, chiếu làm giả bốn người ốm, nên khi điểm danh vẫn đủ người. Thoát khỏi nhà tù, các đồng chí nhanh chóng cải trang bằng quần áo Thái lấy trong nhà mồ, vượt suối, băng rừng về xuôi. Anh Lò Văn Giá khi quay lại Sơn La, bị địch bắt, tra tấn rồi mang đi thủ tiêu.

Bốn tù chính trị Nhà tù Sơn La vượt ngục thành công, ngày 03/8/1943

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng
Đồng chí Trần Đăng Ninh
Đồng chí Lưu Đức Hiểu
Đồng chí Nguyễn Văn Trân

Vô luận thế thế nào, các đồng chí không tổ chức vượt ngục thì thôi, đã tổ chức thì phải để tôi tham gia. Tất cả mọi khó khăn nguy hiểm các đồng chí chịu đựng được, tôi cũng có thể chịu đựng được, cùng nữa phải hi sinh giữa đường cũng phải chịu. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Anh Lò Văn Giá, người dân tộc Thái đã dẫn đường đưa bốn đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Văn Trân vượt ngục Sơn La thành công, ngày 03/8/1943
Phù điêu diễn tả cảnh bốn tù chính trị vượt ngục Sơn La chia tay anh Lò Văn Giá

BIỂN KHƠI DẬY SÓNG

Vượt ngục trên đất liền đã khó, vượt ngục giữa khơi xa càng gian nan gấp bội. Để trốn thoát, phương tiện vượt biển phải chuẩn bị hết sức công phu. Từ những vật dụng thô sơ, tù nhân đã kết thành thuyền, bè, dùng quần áo làm buồm. Nhưng khi vượt biển, gặp sóng dữ, có những chiến sĩ may mắn trở về, nhưng biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển khơi. Cuộc chiến đấu này Tổ quốc thật gian nan
Tôi đâu dám đứng ngoài nhìn ngắm
Một giọt nước nằm trong biển mặn
Cũng góp muối mình cho cuộc đời chung.
Xem pano


1. Ước vọng chưa thành

Sóng dữ Côn Đảo đã chôn vùi biết bao “thanh xuân” đang căng tràn nhiệt huyết. Năm 1932, đồng chí Lương Văn Tụy cùng đồng đội vượt ngục bằng bè tre, thùng phuy kết lại. Gặp mùa gió chướng, bè vỡ, những người tù đã hy sinh, khi đó đồng chí Lương Văn Tụy mới 18 tuổi. Năm 1933, các đồng chí Nguyễn Hới, Tống Phúc Chiểu… vượt ngục ở Mũi Tàu Bể. Mới đi được hơn trăm mét, thuyền bị sóng đánh chìm, các đồng chí đều hy sinh. Cuối năm 1934, đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung, Tô Chấn… vượt ngục ở Bãi Cỏ Ống. Chuyến đi có sự chuẩn bị công phu nhưng gặp biển động, các đồng chí đã mãi mãi nằm lại dưới biển sâu. Xem pano

Đồng chí Lương Văn Tụy, vượt ngục và hy sinh trên biển năm 1932
Phương tiện vượt ngục thô sơ của tù nhân Côn Đảo
Đồng chí Nguyễn Hới, vượt ngục và hy sinh trên biển năm 1933
Sở Lò Vôi, Nhà tù Côn Đảo, nơi đồng chí Nguyễn Hới và đồng đội bí mật đóng thuyền, chuẩn bị vượt ngục, năm 1933
Mũi Tàu Bể, nơi xuất phát chiếc thuyền vượt biển của đồng chí Nguyễn Hới, Tống Phúc Chiểu cùng đồng đội, năm 1933
Tù nhân Nhà tù Côn Đảo vượt ngục
Đồng chí Ngô Gia Tự, vượt ngục và hy sinh trên biển cuối năm 1934
Bãi Cỏ Ống, Côn Đảo, nơi đồng chí Ngô Gia Tự và đồng đội tìm cách vượt ngục cuối năm 1934
Đồng chí Tô Chấn (người tiến hành mưu sát Toàn quyền Đông Dương Pasquier) bị địch bắt năm 1930, kết án tử hình sau giảm xuống chung thân và đày đi Côn Đảo; cuối năm 1934, vượt ngục cùng đồng chí Ngô Gia Tự và hy sinh trên biển

2. Cuộc vượt ngục năm 1952

Để có chuyến vượt ngục tại bến Đầm là sự góp sức của hàng nghìn tù nhân trong hơn nửa năm. Ban ngày, tù nhân lao động cực nhọc; đêm xuống, tất cả dồn sức chuẩn bị phương tiện vượt ngục: đào hầm, chuyển đất ra ngoài, lấy gỗ đóng thuyền; tháo quần áo khâu thành những tấm vải lớn để bọc thuyền và làm buồm. Đêm ngày 12/12/1952, 198 tù nhân khu Chuồng Cọp nhanh chóng lên 5 chiếc thuyền vượt biển. Phương tiện thô sơ, lại bị kẻ thù truy đuổi, để tránh thuyền bị chìm, ai cũng muốn nhảy xuống biển, nhường sự sống cho đồng đội. Cuộc vượt ngục không thành: 81 người hy sinh, 117 người bị bắt lại. Xem pano

Sau khi hầm đã đào xong là việc đưa hai mê thuyền xuống hầm. Đây là công đoạn quyết định sống còn của cả kế hoạch vượt đảo. Đêm ấy, anh em phân công rõ từng nhóm bộ phận rút chân rường. Bộ phận dùng dây mây gò tấm mê theo kiểu lòng máng và từ từ hạ xuống hầm nhẹ nhàng đều tay. Khi đưa xuống xong lại ken gỗ kín mặt hầm, rải cỏ, rải đất cát và sỏi trở lại bình thường. Hồi ký “Chúng tôi vượt ngục”, Tô Lương - tù chính trị tham gia vượt ngục bến Đầm năm 1952

Bến Đầm, nơi các tù nhân ngày đêm lao động khổ sai bí mật đào hầm, đóng thuyền chuẩn bị vượt ngục, ngày 12/12/1952
Mũi Cá Mập, Côn Đảo, nơi cất giấu phương tiện phục vụ vượt ngục
Bia tưởng niệm 81 chiến sĩ đã hy sinh khi tham gia vượt ngục tại bến Đầm, Côn Đảo, ngày 12/12/1952
Đồng chí Đoàn Duy Thành, nguyên Đảo ủy viên Côn Đảo, Trưởng ban liên lạc tù chính trị Nhà tù Côn Đảo tại Hà Nội

Cuộc vượt ngục không thành công, 81 chiến sĩ hy sinh nơi biển cả (75 trôi dạt vào bờ, 6 người mất tích giữa biển khơi) đã được những người dân ở Côn Đảo âm thầm chôn cất ở bãi cát Cỏ Ống và lập đền thờ… Hiện nay, vẫn còn 73 hài cốt còn nằm lại ở Cỏ Ống, Côn Đảo. Đó là sự thiệt thòi của những liệt sĩ và thân nhân các liệt sĩ vì những gia đình này không đủ điều kiện để đưa thi hài về quê hương do nhiều lý do khác nhau. Hồi ký “Côn Đảo anh hùng, biển Đông dậy sóng”, Đoàn Duy Thành Xem pano

BẢN HÙNG CA GIỮA TRÙNG KHƠI

Trại giam tù binh Phú Quốc được chia thành 12 phân khu riêng biệt, phần lớn tù nhân là các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang. Với trái tim yêu nước, khối óc dày dạn kinh nghiệm, họ luôn tìm cách vượt ngục để tiếp tục cầm súng chiến đấu. Có nhưng cuộc vượt ngục được sự lãnh đạo của Đảng ủy, hay một nhóm các đồng chí kiên trung cùng nhau đoàn kết tìm cách trở về với cách mạng. Dẫu rằng có người hy sinh, có cuộc vượt ngục bị thất bại nhưng không dập tắt được ý chí và khát vọng tự do. Tất cả đều trở thành bài học cho nhưng cuộc vượt ngục về sau được các “nhân chứng lịch sử” tham gia vượt ngục Phú Quốc kể lại. Xem pano


Cuộc vượt ngục năm 1969

Tháng 8/1968, được sự chấp thuận của cấp ủy Đảng, chúng tôi tổ chức đào hầm vượt ngục. Lúc đầu có 6 người, về sau lên tới 15 người, chia 3 người một ca: người thứ nhất đào, người thứ hai chuyển đất vào túi làm bằng ống quần, người thứ ba dùng dây kéo ra ngoài. Cứ 15 - 20m, chúng tôi đào thêm một hàm ếch rộng làm nơi trung chuyển đất và để chỗ cho người ngồi kéo. Đường hầm dài 120m, số đất mang lên khoảng 20m3. Trời mưa là số đất này được hòa tan theo nước mưa. Xem pano

Sau gần 5 tháng đào hầm, đến 19h00 ngày 19/01/1969, chúng tôi quyết định vượt ngục, 6 người được cử xuống đào thông cửa hầm lên mặt đất. Khoảng 4h30 sáng hôm sau, 21 người vượt ngục thành công. Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên bằng đường hầm thành công ở Trại giam tù binh Phú Quốc. Lời đồng chí Nguyễn Hà Long, ngày 07/6/2019

Đồng chí Nguyễn Hà Long (thương binh 2/4), người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, Trại giam tù binh Phú Quốc đêm 19/01/1969
Người tù chui xuống hầm vượt ngục (mô hình)
Dụng cụ đào hầm vượt ngục của các chiến sỹ cách mạng ở phân khu B2, Trại giam tù binh Phú Quốc
Đồng chí Nguyễn Trọng Dư, cựu tù binh Trại giam Phú Quốc, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, “chuyên gia” làm xẻng, nắp hầm

Trong Trại giam Phú Quốc, tôi được cử làm Bí thư Chi đoàn gồm ba người theo kiểu tổ tam tam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng. Vốn có nghề cơ khí, tôi được giao nhiệm vụ làm xẻng đào sâu vào lòng đất để vượt ngục. Từ cà mèn, ca uống nước, tôi làm ra những chiếc xẻng bé xíu. Từ dây thép gai, tôi đem về nắn thẳng, đan thành nắp hầm. Đêm đêm, anh em chui xuống đào, những đường hầm như cánh tay vươn ra ánh sáng tự do. Lời đồng chí Nguyễn Trọng Dư, ngày 05/6/20019

VƯỢT KHỎI NGỤC TÙ

Tại các nhà tù địa phương như: Bắc Ninh, Chợ Chu (Thái Nguyên), Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt… cũng được chính quyền thực dân, đế quốc xây dựng kiên cố, hệ thống canh gác cẩn mật, đội ngũ giám thị, mật thám chuyên nghiệp. Nhưng tất cả đều không ngăn được những trái tim dũng cảm, luôn khát khao tìm về tự do, về với cách mạng, với nhân dân. Xem pano


1. Vượt Nhà đày Buôn Ma Thuột năm 1941

Nhà Đày Buôn Ma Thuột nằm trên cao nguyên, rừng núi điệp trùng, hệ thống tường vây cao vút, cắm đầy mảnh chai sắc rợn. Để trốn thoát, tù nhân buộc phải vượt qua con đường duy nhất là đồn Khánh Dương, nơi lính Pháp canh gác nghiêm ngặt ngày đêm. Thực dân Pháp còn mua chuộc dân bản để họ tố cáo, bắt tù nhân trốn trại, đổi lấy muối, do đó rất ít cuộc vượt ngục thành công. Mặc dù vậy, cuối năm 1941, với sự mưu trí, biết nắm bắt thời cơ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Lê Tất Đắc, Phan Văn Dứa nhân cơ hội được vào rừng lấy củi, đã tổ chức vượt ngục thành công. Xem pano

Nhà đày Buôn Ma Thuột
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh)
Đồng chí Lê Tất Đắc

Đến Buôn Ma Thuột, ngoài Nguyễn Vịnh ra, còn có Lê Tất Đắc và Phan Văn Dứa. Ba anh bàn bạc, nhất trí với nhau về việc tổ chức vượt ngục. Mỗi người chuẩn bị một ít muối, vài bao diêm và một ít thuốc chữa bệnh, đề phòng đau ốm lúc đi đường. Một hôm, khi Đờ-riu (lính áp giải các anh vào rừng lấy củi) yêu cầu được “tẩm quất”, ba anh bèn đè ra, trói lại. Rồi các anh vượt núi rừng Tây Nguyên, nhằm hướng mặt trời, tìm đường về xuôi. Trích: Những ký ức về nhà đày Buôn Ma Thuột, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Dak Lak, 2000, tr.145


Vượt Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, tháng 5/1973

Năm 1971, chính quyền Mỹ - ngụy xây dựng một nhà tù đặc biệt, có một không hai trên thế giới - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt), nơi giam 600 tù nhân thiếu nhi (từ 12 đến 17 tuổi), nhằm tách khỏi sự dìu dắt của thế hệ cha anh. Nhưng, chế độ giam cầm hà khắc, biệt lập không khuất phục được tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Ngày 07/5/1973, mười ba chú bé dũng cảm đã đục trần, dỡ ngói, leo lên nóc nhà, xé quần áo, kết thành dây, buộc vào chân, tay để vượt qua lưới điện cao thế và lớp kẽm gai dày đặc. Mười ba lượt di chuyển kết thúc là lúc trời bắt đầu sáng. Xem pano

Đồng phục của tù nhân Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Cựu tù Đặng Ngọc Chúng (thứ nhất bên trái) và các đồng chí là cơ sở cách mạng đã che chở cho đoàn tù thiếu nhi vượt ngục thăm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, năm 2012

Lúc đó, thấy mấy đứa nhỏ lấm lem thụt thò ngoài cửa là tui biết tù thiếu nhi vượt ngục. Sau khi lấy quần áo trong nhà cho mấy đứa mặc, tui nấu nồi cơm thật bự, thế mà tụi nó ăn vèo một cái hết sạch. 3 giờ sáng dậy nấu tiếp nồi nữa mà tụi nhỏ ăn cũng hết trơn. Lời bà Phan Thị Tịch (Năm Tịch), cơ sở cách mạng che chở cho đoàn tù thiếu nhi vượt ngục ngày 07/5/1973 Xem pano

KHÚC CA HÒA BÌNH

Những chiến công vang dội của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX có sự góp sức của biết bao thế hệ tù chính trị từng bị giam trong các “địa ngục trần gian”. Bằng niềm tin bất diệt, những người con quả cảm sau khi thoát ngục, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Xem pano

1. DẤU ẤN VƯỢT THỜI GIAN


Đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Tôi hân hạnh yêu cầu Ngài tín nhiệm công dân Nguyễn Lương Bằng do tôi cử làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên bang Cộng hòa xã hội Xô Viết… Tôi tin tưởng rằng việc cử Đại sứ Việt Nam sang Liên Xô sẽ củng cố và thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta. Trích: Quốc thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông N.M. Sverơních, Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Xô Viết tối cao Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô), ngày 10/3/1952 Xem pano

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (thứ ba từ phải qua) cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tổng Thanh tra Chính phủ (ngồi bên phải Bác) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem sơ đồ quy hoạch Thành phố Hà Nội, ngày 16/11/1959

Đồng chí Đỗ Mười

Khi đồng chí làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong nhiều lần tiếp xúc với khách quốc tế và các đoàn ngoại giao, đồng chí đã chinh phục được lòng người qua những lời nói giản dị và đầy ý nghĩa. Trích: Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười là thực tế sống và chiến đấu, GS. Vũ Khiêu: Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2011, tr.257 Xem pano

Đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hải Phòng đọc thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hải Phòng trong buổi lễ Quân đội nhân dân Việt Nam vào tiếp quản Thành phố, ngày 14/5/1955
Đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đặt viên gạch đầu tiên trong buổi lễ khởi công xây dựng thành phố Vinh do Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An tổ chức, ngày 01/5/1974
Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam, Hải Phòng, ngày 13/5/1995

Đồng chí Nguyễn Văn Trân

Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trân được Đảng và Chính phủ cử làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ, Chủ tịch là ông Nguyễn Xiển - một trí thức nổi tiếng và nhiều trí thức khác trong Ủy ban. Đồng chí Trân vẫn khéo léo đưa được đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng thành công. Trích: Một tập hồi ký đáng đọc và suy ngẫm, Mai Vy - cán bộ lão thành cách mạng: Hồi ký Cách mạng và cuộc đời tôi, Nxb Hà Nội, 2011, tr.15 Xem pano

Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Khu ủy XI (Hà Nội) kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu XI (hàng đầu tiên, thứ ba từ phải sang) và các Ủy viên Ban Thường vụ năm 1946
Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy họp bàn chống máy bay Mỹ, năm 1967
Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội (thứ nhất từ phải sang) tham dự Đại hội những người xuất sắc trong phong trào phụ nữ Thủ đô 3 đảm đang lần thứ II trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đồng chí Trần Đăng Ninh

Chỉ trong mấy năm phụ trách công tác hậu cần, anh (Trần Đăng Ninh) đã xây dựng được tổ chức hậu cần của chiến tranh nhân dân Việt Nam, gồm hậu cần quân đội và hậu cần nhân dân, đảm bảo cho các chiến dịch lớn của chủ lực cũng như hoạt động rộng khắp của chiến tranh du kích trên các chiến trường. Trích: Một nhà hoạt động thực tiễn có năng lực và giàu kinh nghiệm, Võ Nguyên Giáp: Đồng chí Trần Đăng Ninh với cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.19 Xem pano

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong cuộc họp Trung ương tại chiến khu Việt Bắc, năm 1949 (đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thứ nhất từ phải sang)
Đại biểu hai nước Việt Nam - Lào bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953 (đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, thứ nhất từ trái sang)

Đồng chí Trần Tử Bình

Từ Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng tôi dẫn đầu đoàn quần chúng ào ạt tiến về Phủ Khâm sai... Tôi, anh Trần Tử Bình (Thường trực Xứ ủy phụ trách 10 tỉnh Bắc Bộ), anh Nguyễn Khang và nhiều quần chúng vượt qua cổng sắt, tràn lên đại sảnh và tiến vào Văn phòng Phủ Khâm sai. Nhân danh Ủy ban Quân sự cách mạng, anh Trần Tử Bình tiến thẳng đến nơi làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, người cầm đầu "Ủy ban Chính trị" bù nhìn, ra lệnh phải đầu hàng... Lời đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội năm 1945 Trích: Phóng sự - Những nhân chứng lịch sử trong ngày “Hà Nội vùng đứng lên”, Công an nhân dân điện tử, ngày 20/2/2015 Xem pano

Các đồng chí lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội tháng Tám 1945 gặp mặt tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1948 (từ trái sang: Đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Trần Quang Huy, Lê Liên)
Đồng chí Trần Tử Bình (hàng đứng, thứ nhất từ trái sang) và các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tháng 02/1951
Đại sứ Trần Tử Bình (thứ tư từ phải sang) trong Đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu sang thăm Trung Quốc, được Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông đón tiếp, Bắc Kinh, năm 1964

Đồng chí Lê Trọng Nghĩa

Trong những ngày đầu của cuộc Cách mạng tháng 8/1945 tại Hà Nội, đồng chí Lê Trọng Nghĩa được cử “một mình vào Dinh Khâm sai” gặp Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại để nắm bắt tư tưởng và vận động ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Hồ sơ nhân chứng lịch sử Lê Trọng Nghĩa, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, 2013 Xem pano

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1949 (Đồng chí Lê Trọng Nghĩa thứ ba từ trái sang)
Đồng chí Lê Trọng Nghĩa (hàng ngồi, thứ hai từ phải sang) và các đồng chí nguyên là cán bộ quân báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng, số 30, phố Hoàng Diệu, Hà Nội

Đồng chí Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân)

Nữ du kích Hoàng Ngân là biểu tượng sinh động trong muôn vàn tấm gương tiêu biểu cho truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Lời đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Xem pano

Đồng chí Hoàng Ngân (hàng đầu, bên trái) và một số đồng chí trong Chi bộ Hải Phòng, thời kỳ 1936 - 1939
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam tại Việt Bắc, tháng 02/1949 (Đồng chí Hoàng Ngân, Bí thư Trung ương Đoàn, hàng đứng, thứ hai từ phải sang)

Đội nữ du kích Hoàng Ngân tại các địa phương trong kháng chiến chống Pháp


Đồng chí Hoàng Thị Ái

Xem pano

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1950 (bà Hoàng Thị Ái - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, hàng đứng, thứ hai từ phải sang)
Bà Hoàng Thị Ái - Trưởng đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam (hàng đầu, thứ sáu từ trái sang) tham dự Đại hội Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế tại Đan Mạch, năm 1953
Bà Hoàng Thị Ái - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Trung ương phát biểu tại Đại hội Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, tháng 10/1954

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh

Ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Thanh đã có công lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị tư tưởng, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, tổ chức công tác chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội…, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân ta. Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp Xem pano

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc, tháng 3/1951 (Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thứ ba từ trái sang)
Tổng Quân ủy họp bàn kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 01/1954 (Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thứ nhất từ phải sang)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (bên phải) và đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh quân giải phóng miền Nam trao đổi kế hoạch tác chiến

Đồng chí Văn Tiến Dũng

Anh Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phân công trực tiếp chỉ huy trận chiến Buôn Ma Thuột mở màn thắng lợi, thúc đẩy toàn bộ chiến trường. Trích: Văn Tiến Dũng - Một chiến sỹ cộng sản trung kiên, một vị tướng tài ba của quân đội, Chu Huy Mân: Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.55 Xem pano

Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng chí chỉ huy Đại đoàn 320, năm 1953
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 3/1975 (hàng ngồi từ trái sang: Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Lê Đức Thọ, Chính ủy Phạm Hùng)
Giây phút Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng tại Sài Gòn, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 5/1975

Đồng chí Song Hào (Nguyễn Văn Khương)

Ngay từ nửa đêm 15/8/1945, tôi được trao nhiệm vụ trở về ngay Tuyên Quang, phụ trách công cuộc khởi nghĩa của mấy tỉnh phía tây, một dải chạy dọc theo hai triền sông Lô, sông Thao: Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang… Tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái lúc bấy giờ đã có những chiến khu, căn cứ vững mạnh do các đồng chí Đảng ta vượt ngục Nghĩa Lộ tổ chức, lãnh đạo. Trích: Thượng tướng Song Hào - Hồi ký và tác phẩm, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.75 Xem pano

Trung tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị (thứ ba, từ trái sang) và đoàn cán bộ công tác tại Quân khu IV, năm 1965
Trung tướng Song Hào (hàng đầu tiên, thứ ba từ trái sang) cùng Bộ Chỉ huy Mặt trận Trị Thiên - hướng chiến lược chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược năm 1972
Thượng tướng Song Hào (thứ tư từ trái sang) cùng Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định

Đồng chí Huỳnh Đắc Hương

Sau khi phá ngục Trại giam Phú Bài, tôi tham gia Ban Chấp hành lâm thời tỉnh Quảng Nam, phụ trách huyện Tiên Phước. Ngày 18/8/1945, tôi cùng nhân dân tổ chức giành chính quyền thành công tại Quảng Nam. Lời Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, ngày 13/08/2019 Xem pano

Đồng chí Huỳnh Đắc Hương (thứ hai từ phải sang) và đồng đội tham gia hoạt động cách mạng tại Quảng Nam, tháng 8/1945
Đồng chí Huỳnh Đắc Hương, Trưởng đoàn Đại biểu Tiểu ban Liên hiệp đình chiến Liên khu 5 (thứ hai từ phải sang) tại buổi làm việc với Trung tá Corbineau, Trưởng đoàn đại diện Quân đội Liên hiệp Pháp, tháng 4/1955
Đồng chí Khamtai Siphandon, Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân Lào trao kiếm tượng trưng tinh thần thượng võ Lào cho Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, năm 1975
Đồng chí Bounnhang Vorachith, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đón tiếp Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, Vientian, tháng 01/2017

2. KÝ ỨC KHÔNG PHAI

Xem pano

Nhà tù Hỏa Lò

Các nhân chứng lịch sử gặp mặt tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ôn lại kỷ niệm vượt ngục bằng đường cống ngầm tháng 3/1945 Xem pano

Các nhân chứng lịch sử gặp mặt tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ôn lại kỷ niệm vượt ngục bằng đường cống ngầm đêm 24/12/1951 Xem pano

Nhà tù Côn Đảo

Các nhân chứng lịch sử gặp mặt, ôn lại kỷ niệm vượt ngục tại Bến Đầm, Nhà tù Côn Đảo, ngày 12/12/1952

Nhà tù Phú Quốc

Họp mặt kỷ niệm 40 năm “Chiến thắng trở về” và “Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại Phú Quốc”, tại Khu Di tích lịch sử Trại giam Tù binh Phú Quốc, ngày 15/3/2018

Đại diện Ban liên lạc Trại giam Tù binh Phú Quốc tại Hà Nội họp mặt tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 16/10/2019

Các nhà tù khác

Thượng tướng Song Hào (thứ tư từ phải sang) gặp lại các đồng chí cùng tham gia cuộc vượt ngục năm 1944 tại Nhà tù Chợ Chu (Thái Nguyên), ngày 10/3/1997
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, tháng 10/2008